Máy tính sử lược

Trịnh Minh Giang
vietmanagement.com | 31.01.2004

Thomas Watson, cựu chủ tịch của IBM, vào năm 1943 từng nói “Tôi nghĩ trên thế giới sẽ chỉ tồn tại một thị trường cho 5 chiếc máy tính”. Còn A. G. Bell cũng tin rằng phát minh điện thoại của ông chỉ được dùng cho người khiếm thính. Cả hai ông đều đã nhầm khi mà ngày nay, các sản phẩm của họ đã và đang làm thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé.

Bài viết này nhằm tóm lược vài nét lịch sử của máy tính, truyền thông và mạng thông tin.
Truyền thông gồm việc đưa thông điệp từ chủ thể và việc nhận và hiểu thông điệp của các đối tượng nhận thông điệp. Đây là đặc tính của bất cứ xã hội nào, từ loài kiến tý hon cho tới loài người thông minh. Người tiền sử giao tiếp thông qua việc ngôn ngữ ra dấu mà hiện nay vẫn còn tồn tại như cái gật đầu, bắt tay… và các hình vẽ. Cùng với việc hình thành xã hội là sự phát sinh nhu cầu truyền thông từ xa. Con người sử dụng tín hiệu lửa khói và thậm chí nhịp trống để báo hiệu từ xa. Việc truyền thông dựa trên giao tiếp mặt đối mặt hay truyền miệng từ người thứ ba. Các hình vẽ dần được thay thế bằng chữ viết và thư tín bắt đầu được sử dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu tính toán cũng hình thành cùng với lịch sử thương mại. Khoảng 5 ngàn năm trước ở Tiểu Á, bàn tính đã được các thương gia sử dụng. Tới năm 1642, Blaise Pascal (1623-1662), khi đó mới 18 tuổi, đã chế tạo ra bàn tính Pascaline với 8 chữ số cho bố.
Công nghệ đã đem lại một bước ngoặt lớn cho truyền thông thông tin kể từ sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1712 – 1830) với phát minh của máy dệt và máy hơi nước. Thư tín và hàng hoá bắt đầu được vận chuyển bằng tàu hỏa và tàu biển chạy hơi nước. Chuyển biến kinh tế vào thế kỷ 18 đã làm thay đổi cảnh quan nước Mỹ. Đường xá và đường xe lửa được xây dựng khắp nơi. Tuy tốc độ truyền thông tin đã được cải thiện nhưng báo chí luôn ở trong tình trạng thông tin qúa đát. Khi người Mỹ du nhập về phía tây, nhu cầu về truyền thông liên lục địa tăng đáng kể. Thư tín lúc đó là một hệ thống không đáng tin cậy. Một người ở New England muốn gửi thư cho người thân ở Anh (England) phải gửi bằng đường biển với giá cắt cổ. Hệ thống thư tín trong đất liền còn được nối bằng các trạm ngựa. Một bức thư từ New York tới San Francisco phải mất 8 ngày trên lưng ngựa qua St. Joseph, Missouri, rồi Sacramento, California, sau đó lên tàu 4 tháng qua mũi Hảo Vọng (Cape Horn) tới San Francisco. Công việc kinh doanh vì thế khó mà dựa vào thư tín. Tốc độ của truyền thông khi đó nếu nhanh hơn đã có thể ngăn chặn được cuộc chiến Anh – Mỹ năm 1812 không nổ ra. Khi đó, nước Anh gửi đớcmotjcon tàu mang thông điệp “Nước Anh sẽ không can thiệp tới hệ thống hàng hải của Mỹ” trước khi Mỹ tuyên chiến 2 ngày. Tuy nhiên khi con tàu cập bến nước Mỹ thì chiến tranh đã nổ ra từ lâu.

Điện tín

Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (về điện và hóa chất), phát minh máy điện tín của Samuel F. B. Morse ra đời. Chắc ai cũng phải bồi hồi khi đọc những dòng đầu tiên mà Morse truyền qua hệ thống của mình: “Mẩu tin này được viết bởi tôi từ Washington tại Trạm cuối Baltimore lúc 8h45′ thứ 6 ngày 24 năm 1844, là mẩu tin đầu tiên được truyền đi từ Washington tới Baltimore bằng điện tín…”. đoạn tin được gửi bằng cách gõ một loại mã cho từng chữ cái. Máy điện tín chuyển các mã chấm và gạch này thành các xung điện tương ứng và truyền qua dây điện tín. Bộ mã Morse dần trở nên hoàn chỉnh và là cơ sở cho bộ mã ASCII sau này (American Standard Code for Information Interchange). Các đường cáp xuyên lục địa và xuyên biển sau đó được xây dựng tạo điều kiện cho truyền thông quốc tế. Tập đoàn viễn thông đầu tiên ra đời khi ấy là Western Union của Mỹ thâu tóm 12 công ty, trong đó có công ty điện tín Western Union. Năm 1873, Western Union trở thành cổ đông chính trong công ty điện tín International Ocean, đặt một chân vào thị trường điện tín quốc tế. Tốc độ truyền thông đã trở nên nhanh và rẻ, tạo công ăn việc làm, nhất là cho phụ nữ. Thương mại giảm được độ trễ giao dịch, báo chí thu được thông tin nóng hổi. Tuy nhiên, bộ mã Morse quốc tế và bộ mã Morse của Mỹ vẫn chưa thống nhất. Việc truyền tin đòi hỏi kỹ thuật chuyên biệt và chỉ tới được nơi nào có cáp.

Điện thoại

Năm 1875, chiếc điện thoại đầu tiên ra đời nhờ phát minh của Alexander Graham Bell. Ông khám phá ra, khi thí nghiệm một mạch với một máy thu và hai máy phát, rằng máy thu có thể phát ra âm thanh khi điện được truyền qua nó và ngược lại, nó có thể tạo ra điện khi có âm thanh làm chuyển động lõi nam châm trong cuộn dây điện. Một điều lý thú nữa là điện biến thiên theo âm thanh. Cho đến năm 1884, người ta đã có thể gọi đường dài từ Boston tới New York City. Tuy nhiên, có lẽ Bell không thể hình dung được là ngày nay thậm chí cả phim ảnh cũng có thể truyền qua đường điện thoại. Phát minh của bộ chuyển mạch (switchboard) và bộ khuyếch đại (amplifier) đã đưa điện thoại đến từng gia đình. Không giống như điện tín, người dùng điện thoại không cần phải biết đến  bộ mã Morse và cũng chẳng phải đi đâu xa để gửi điện nữa.  Thông tin có thể được truyền đi tức thì và công việc kinh doanh cũng phát đạt nhờ điện thoại. Người bán có thể giao dịch trực tiếp với từng khách hàng. AT&T, tập đoàn điện tín điện thoại lớn nhất bấy giờ của Mỹ cùng với các công ty cùng ngành đã tạo thêm biết bao giá trị và công ăn việc làm. Khái niệm “thời gian thực” (real-time) bắt đầu hình thành.

Năm 1889, nhà phát minh người Mỹ Herman Hollerith (1860-1929) đã tìm cách tự động hoá việc tính kết quả điều tra dân số của Mỹ. Công việc này trước đó phải mất tới 10 năm tính toán cho mỗi lần điều tra. Hollerith sử dụng các thẻ đục lỗ để ghi thông tin qua một cỗ máy chạy bằng điện gọi là “Punch Card Tabulating Machine”. Mỗi thẻ như vậy có thể chứa 80 biến số và thay vì 10 năm, công việc tính toán thu lại chỉ còn 6 tuần. Hơn thế nữa, các thông tin chứa trong thẻ giảm thiểu được các sai sót. Hollerith sau đó thành lập công ty Tabulating Machine Company (TMC) vào năm 1896, đưa phát minh của mình vào thế giới kinh doanh. TMC đổi tên thành International Business Machines (IBM) vào năm 1924 sau một loạt cuộc sát nhập. Từ đó, chính phủ Mỹ và giới kinh doanh đều sử dụng các thẻ đục lỗ để lưu trữ dữ liệu. Năm 1944, IBM giới thiệu máy tính tự động cỡ lớn đầu tiên ASCC (Automatic Sequence Controlled Calculator), còn goi là Mark I, cho trường Đại học Harvard, có khả năng tự động tính các phép toán dài.

Thế hệ máy tính đầu tiên

Năm 1945, máy tính đầu tiên được thiết kế bởi John von Neumann (1903-1957) với tên gọi Electronic Discrete Variable Automatic Computer (EDVAC) với một bộ nhớ cho cả chương trình lưu trữ và dữ liệu. Yếu tố chính trong cấu trúc máy của Neumann là bộ xử lý trung tâm (CPU) cho phép mọi chức năng tính toán sử dụng một nguồn duy nhất. Năm 1951, máy tính UNIVAC I (Universal Automatic Computer) thiết kế bởi Remington Rand trở thành sả phẩm máy tính thương mại đầu tiên sử dụng đặc tính mới trên. Cục điều tra dân số Mỹ và General Electric đều sử hữu các máy UNIVAC. Mỗi chiếc máy thế hệ đầu tiên chạy bằng một chương trình mã nhị phân gọi là ngôn ngữ máy. Điều này làm giảm tốc độ xử lý và tính linh hoạt của máy tính. Dữ liệu được lưu trữ thông qua việc sử dụng các ống chân không, làm máy tính có kích thước rất lớn.

Thế hệ máy tính thứ hai

Phát minh thiết bị bán dẫn năm 1948 đã thay thế các ống chân không trong ti vi, đài và máy tính. Kich thước của máy tính nhờ đó đã giảm đi đáng kể. Ngôn ngữ máy được thay thế bằng ngôn ngữ assembly (tập hợp), cho phép các mã lập trình ngắn gọn thay thế các mã nhị phân dài dòng và khó hiểu. Rất nhiều các dòng máy tính thương mại ra đời như Burroughs, Control Data, Honeywell, IBM, Sperry-Rand… được sử dụng trong các tổ chức chính phủ, các trường đại học cũng như các tổ chức kinh doanh. Các nghề nghiệp mới xuất hiện như lập trình, phân tích hệ thống… cùng với ngành công nghiệp phần mềm.

Thế hệ máy tính thứ ba

Tuy thay thế được các ống chân không, các thiết bị bán dẫn có một nhược điểm là tạo nhiệt lượng lớn có thể làm hỏng các bộ phận nhạy cảm bên trong máy tính. Việc sử dụng đá thạch anh (silicon) đã khắc phục được điều này. Năm 1958, kỹ sư Jack Kilby của Texas Instruments đã chế tạo thành công mạch tích hợp (IC). Tiếp đó, rất nhiều bộ phận có thể được đặt trong một con chip duy nhất và máy tính cứ thu nhỏ dần kích thước. Một điểm nổi bật khác của các máy tính thế hệ thứ 3 là việc ra đời hệ điều hành cho phép máy tính có thể chạy nhiều chương trình cùng một lúc thông qua một chương trình trung tâm kiểm soát và điều phối bộ nhớ.

Khi các máy tính ngày càng phát triển, nhu cầu kết nối các máy lại với nhau để chia sẻ bộ nhớ, phần mềm và thông tin cũng như giao tiếp qua lại dần được hình thành. Chiếc modem đầu tiên được bán vào năm 1962 là Bell 103 của AT&T. Đây là một thiết bị nhận dữ liệu số hoá từ máy tính, hiệu chỉnh (modulate) thành tín hiệu tương tự (analogue) để truyền qua đường điện thoại. Ở đầu bên kia, một modem khác làm công việc tái hiệu chỉnh (demodulate) các tín hiệu đó thành dạng số mà máy tính nhận biết được. Tên gọi “MODEM” xuất phát từ 2 chức năng chính là “MOdulate” và “DEModulate”. Chiếc modem đầu tiên có thể truyền dữ liệu với tốc độ 300bps.

Tháng 8/1962, J.C.R. Licklider của học viện công nghệ Masachusette (MIT), trưởng bộ phận nghiên cứu máy tính của Cơ quan ARPA (Advanced Research Project Agency) của Mỹ, đã đưa ra khái niệm mạng “Galactic Network” miêu tả một xã hội tương tác thông qua mạng máy tính. Ông phác họa hình ảnh một hệ thống máy tính toàn cầu qua đó bất cứ ai cũng có thể truy cập dữ liệu và tải về các phần mềm. Tới năm 1965, hai nhà nghiên cứu Lawrence G. Roberts và Thomas Merrill của MIT đã thử kết nối máy tính TX-2 từ Massachusette tới máy tính Q-32 ở California bằng đường điện thoại quay số tốc độ chậm. Có thể coi đây là mạng máy tính đầu tiên với khả năng chạy chương trình và truy cập dữ liệu từ máy trạm. Mạng máy tính cho phép các máy cá thể tạo thành một tổ hợp điện tử. Một số khái niệm mới được hình thành: mạng LAN (Local Area Network), mạng nội bộ, kết nối các máy tính trong một phạm vi giới hạn như trong một toà nhà; mạng WAN (Wide Area Network), mạng mở rộng, kết nối các máy tính ra ngoài phạm vi giới hạn và có thể kết nối các mạng LAN với nhau… Cũng trong năm này, IBM phát triển hệ thống đặt vé SABRE (Semi-Automatic Business-Related Environment) cho American Airlines. Hệ thống này nối các máy tính truyền dữ liệu về số ghế và tư liệu khách hàng trên hơn 50 thành phố.

Năm 1964, IBM đưa ra máy System/360, máy tính đầu tiên sử dụng được phần mềm trao đổi và các thiết bị ngoại vi. System/360 có tốc độ vượt trội nhờ công nghệ Solid Logic sử dụng gốm cho mạch điện, tin cậy hơn chất bán dẫn trước đó.

Cuối năm 1966, Robert cùng ARPA đã phát triển khái niệm mạng máy tính ứng dụng phương pháp chuyển mạch gói và thiết lập dự án mạng ARPANET. Lúc này, IBM vừa trình làng hệ kiểm soát thông tin khách hàng  CICS (Customer Information Control System), cùng phát triển với Michigan Bell. Đây là hệ thống theo dõi giao dịch trực tuyến, thực hiện được nhiều truy vấn tới cùng một tệp dữ liệu với tốc độ cao.

Năm 1968, ARPA trao hợp đồng ARPANET cho BBN Technology. Hệ thống mạng được xây dựng năm 1969, nối 4 đầu mút: Đại học California tại Los Angeles, SRI tại Stanford, Đại học California tại Santa Barbara, Đại học Utah. Mạng kết nối với tộc độ 50 Kbps sử dụng giao thức mạng NCP truyền dữ liệu cho phép giao tiếp giữa các máy chủ (host) trên cùng một mạng. Cũng trong năm 1968, thế hệ máy IBM System/360 Model 85 xuất hiện với bộ nhớ đệm (buffer memory), tăng tốc độ truy xuất thông tin hơn 12 lần bộ nhớ chính (main-core memory).

Chương trình e-mail đầu tiên được Ray Tomlinson của BBN viết vào năm 1972 cho phép người sử dụng gõ địa chỉ máy tính đích và gửi thông điệp (giống như giấc mơ của Samuel F. B. Morse) thông qua các máy trạm nối mạng. Có thể coi Internet là thành quả của việc đầu tư nghiên cứu và phát triển hạ tầng thông tin. Cùng với công nghệ chuyển mạch gói, chính phủ, các ngành và học viện đã trở thành đối tác phát triển và khai thác mạng máy tính toàn cầu.

Thế hệ máy tính thứ tư

Năm 1970, IBM System/370 ra đời với công nghệ bộ nhớ ảo (virtual memory), kỹ thuật sử dụng một phần đĩa cứng cung cấp bộ nhớ cần thiết cho phần mềm. Lúc này, IBM cũng giới thiệu khái niệm về cơ sở dữ liệu cho phép thông tin lưu trữ trong máy tính được sắp xếp thành các bảng giản đơn để người sử dụng có thể quản lý và truy cập mà không cần biết về kỹ thuật.

Con chip Intel 4004 năm 1971 đã đánh dấu một bước tiến thần kỳ trong công nghệ mạch tích hợp khi tất cả các thành phần của máy tính (bộ xử lý trung tâm, bộ nhớ, bộ kiểm soát input, output) đều được tích hợp vào một chip nhỏ bé. Bộ vi xử lý đã có thể được sản xuất hàng loạt cho cả các ứng dụng trong lò vi sóng, ti vi, ô tô… Đĩa mềm, ra đời vào thời gian này, trở thành tiêu chuẩn để lưu trữ dữ liệu cá nhân. Năm 1972, chip Intel 8008 ra đời với tốc độ gấp đôi đã khiến Bill Gates khi ấy mới 16 tuổi, cùng Paul Allens thành lập công ty Traf-O-Data bán máy tính sử dụng trìh ứng dụng cho con chip này.

Năm 1973, giao thức mạng TCP/IP được DARPA phát triển cho phép máy tính của các mạng khác biệt có thể kết nối và giao tiếp được với nhau. Đây là năm mà IBM thiết kế thành công hệ thống thanh toán và kiểm kê siêu thị (supermarket checkout station) sử dụng lăng kính, thấu kính và tia laser để đọc mã sản phẩm. Đồng thời, khách hàng của các ngân hàng rút tiền, chuyển tiền và thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng khác thông qua thiết bị giao dịch IBM 3614, hình ảnh của các máy rút tiền tự động ATM ngày nay (Automatic Teller Machines).

Hai năm sau, năm 1975, con chip 8800 ra đời với sức mạnh gấp 10 lần chip 8008 mà Traf-O-Data đã dùng, được gắn trên máy Altair do Micro Instrumentation Telemetry Systems (MITS) chào bán. Đây là một máy điện toán nhỏ được xem như chiếc PC thành công đầu tiên trên thế giới với cấu trúc board mở chứa các slot (khe cắm) làm sẵn, mở đường cho sự phát triển của máy tính sau này. Cùng năm đó, IBM tung ra một loạt máy tính PC IBM 5100, và sau đó là 5110, 5120, Data master, 5150 PC tuy nhiên giá bán còn khá cao. Traf-O-Data dồn sức viết ngôn ngữ BASIC mới cho Altair và sau đó MITS không những đã mua BASIC (licensing) mà còn cấp nơi làm việc cho Bill Gates và Paul Allens. Traf-O-Data được đổi tên thành Micro-Soft, rồi sau đó trở thành “Microsoft” tại bang New Mexico vào ngày 26/11/1976.

Vào cuối thập kỷ 70, các công ty lớn, kể cả IBM và DEC, không tin tưởng mấy vào tương lai của máy tính cá nhân. Tuy nhiên IBM vẫn xúc tiến các hoạt động thăm dò khả năng phát triển của máy tính cá nhân so với các sản phẩm máy tính lớn của họ. Một kế hoạc bí mật được bàn bạc với Microsoft trong việc phát triển các phần mềm cho máy tính cá nhân trong trường hợp cần xuất xưởng tức thì. Đúng lúc này, Microsoft đang thương lượng mua lại hệ điều hành Q-DOS của Seattle Computer. May cho Microsoft là IBM lúc đó đã giữ quá kín kế hoạch của mình nên cuối cùng Q-DOS đã lọt vào tay Microsoft chỉ với giá 50 ngàn usd. Q-DOS sau trở thành MS-DOS, bước ngoặt lớn trong lịch sử của Microsoft nói riêng và của ngành công nghiệp tin học nói chung.

Sau khi xác định rằng máy tính không còn chỉ dành riêng cho các hoạt động kinh doanh lớn hay các hợp đồng với chính phủ mà đi vào đời sống hàng ngày. 12/8/1981, IBM giới thiệu máy tính cá nhân IBM PC sử dụng hệ điều hành 16-bit Microsoft MS-DOS v.1.0, cùng với Microsoft BASIC, Microsoft COBOL, Microsoft Pascal, và các trình ứng dụng khác của Microsoft. Máy tính này có 16 kilobyte bộ nhớ (mở rộng tới 256 kilobyte), có đĩa mềm và màn hình màu. Sang năm 1982, số lượng người sử dụng máy tính cá nhân đã tăng từ 2 triệu lên 5,5 triệu. Mười năm sau đó, số lượng PC vượt ngưỡng 65 triệu máy. Máy tính vẫn tiếp tục thu nhỏ kích thước và tăng tốc độ, từ máy để bàn (desktop) tới máy xách tay (laptop) rồi máy bỏ túi (palmtop). Cùng với sự phát triển của máy Macintosh, Apple đã cộng tác chặt chẽ với Microsoft để phát triển giao diện đồ hoạ dùng chuột. 2/5/1983, Microsoft giới thiệu Microsoft Mouse.

Máy tính của những năm 80 được gọi là thế hệ máy tính thứ năm với tốc độ cực cao. 20/11/1985, Microsoft ra mắt phiên bản hệ điều hành Microsoft Windows đầu tiên, một hệ điều hành mở rộng của MS-DOS sử dụng môi trường đồ hoạ. Cũng trong năm này, IBM đưa ra mạng LAN sử dụng cấu trúc token-ring có thể chia sẻ máy tính, máy in, dự liệu và các thiệt bị khác trong cùng một toà nhà. Cấu trúc token-ring trở thành tiêu chuẩn cho các mạng LAN sau đó. Năm 1988, Microsoft và Ashton-Tate công bố Microsoft SQL Server, phần mềm máy dữ liệu chủ cho mạng LAN dựa trên hệ quản trị dữ liệu của Sybase.
6/4/1992, Microsoft chào bán bản nâng cấp Microsoft Windows 3.1 với hơn 1.000 điểm được cải tiến. Windows 3.1 đã thành công trên mức mong đợi với hơn 1 triệu đơn đặt hàng trước trên khắp thế giới. 23/6/1992, Bill Gates được đích thân tổng thống Bush trao tặng huân chương quốc gia về Thành tựu khoa học công nghệ. Trong năm này, IBM chào bán máy xách tay ThinkPad với con chuột được gắn giữa bàn phím có cái tên mới TrackPoint. 24/5/1993, Windows NT ra đời. Ngày 8/9/1994, Microsoft công bố tên gọi Windows 95 cho phiên bản Windows sắp tới, bí danh là “Chicago”, với chủ ý là sẽ chào bán phiên bản vào năm 1995 và bước đột phá kết thúc dòng phiên bản 3.x, thay xử lý 16-bit bằng 32-bit.
Trong thời gian này, Microsoft chỉ quan tâm tới các dịch vụ siêu thông tin của Prodigy, Compuserve và American Online. Sau khi không thành công trong việc thương lượng mua lại công ty nhỏ nhất trong 3 công ty là American Online, Bill mới quyết định phát triển dịch vụ trực tuyến độc quyền, bí danh là Marvel, tích hợp vào Windows 95. Cho đến tháng 10/1994, khi số lượng internet users tăng lên 10% mỗi tháng thì Mosaic Navigator của Netscape được chào bán, hàng ngàn users đã download phần mềm này từ trên mạng xuống để sử dụng. Lúc này, Microsoft mới huy động nhân lực phát triển một trình duyệt riêng cho Windows 95 sắp ra đời. Microsoft tiến hành đàm phán với 2 công ty Booklink Technologies đang phát triển trình duyệt riêng và Spyglass với quyền sử dụng phiên bản Mosaic đầu tiên. Đến cuối thang 12/1994, Booklink Technologies đã bán công trình của mình cho American Online, Microsoft buộc phải ký hợp đồng Spyglass để đảm bảo thời gian tung Windows 95 ra thị trường. 8/24/1995, Microsoft Windows 95, sau hai lần trì hoãn, đã chính thức ra mắt. Lúc này, giá trị 5% cổ phần của Microsoft đã lên tới 2,7 tỷ usd. 20/11/1995, MSN, “The Microsoft Network online service”, đã có hơn 525,000 thành viên chỉ trong vòng 3 tháng, trở thành nhà cung cấp dịch vụ internet trực tuyến lớn nhất thế giới.

Có mặt ở tất cả các nước, Internet ngày nay cung cấp một hệ thống dịch vụ bao gồm thư điện tử (e-mail), truyền dữ liệu (sử dụng giao thức ftp), truy cập từ xa Telnet, bảng tin (bulletin boards), nhóm tin tức (newsgroups) và đặc biệt là công nghệ World Wide Web (www). Từ năm 1994 tới 1999, số người dùng internet đã tăng từ 3 triệu lên tới 200 triệu. Sự tăng tốc của Internet và mạng máy tính đã tạo ra một sự dịch chuyển trong công nghệ thông tin. Khách hàng tập trung vào các giải pháp kinh doanh tổng hợp (integrated business solutions), một sự kết nối giữa giải pháp, dịch vụ, sản phẩm và công nghệ. Cuộc cách mạng về thương mại điện tử (e-commerce) xuất hiện làm thay đổi bộ mặt kinh tế  xã hội của thế giới. Năm 1996, IBM đưa ra hệ máy tính chỉ dùng mạng (network computer) IBM Network Station, sử dụng các ứng dụng chung qua mạng, giảm thiểu được các chi phí của một máy tính thường. IBM Network Station cho phép khách hàng tiết kiệm đáng kể khi ứng dụng hệ thống mạng vào kinh doanh (net-based business). IBM cũng đưa ra hệ quản trị dữ liệu mạng DB2 Universal Database, có khả năng truy vấn dự liệu kiểu ký tự cũng như kiểu văn bản, hình ảnh, âm thanh, phim và các đối tượng phức tạp khác. Có đến 70% thông tin trên thế giới được lưu trữ bằng hệ quản trị dữ liệu này. Năm 2000, Microsoft tung ra nền Microsoft.NET cho các phầm mềm và dịch vụ của mình. Đây là một bộ phần mềm công nghệ kết nối thông tin, người dùng, các hệ thống và thiết bị. Microsoft.NET dựa trên các dịch vụ Web – các khối ứng dụng nhỏ có khả năng kết nối với nhau và với các ứng dụng lớn khác trên internet. Các thành phần trong Microsoft.NET bao gồm: ứng dụng khách hàng thông minh “Smart Clients”, dịch vụ web “Web Services”, máy chủ “Servers”, công cụ phát triển “Developer Tools”.

One Comment Add yours

  1. đang chán ngồi tìm hiểu thêm mấy thứ hay

Leave a comment