Nước Anh và an toàn năng lượng điện

Trịnh Minh Giang
vietmanagement.com | 14.04.2004

312820_10150483144413013_827918034_aNước Anh được coi là nước châu Âu tiên phong trong việc cải cách ngành điện từ 1989 sau khi đưa ra Luật về sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện năng. Với việc xoá bỏ độc quyền, các công ty sản xuất và phân phối điện được tư hữu hoá, nhiều tập đoàn công nghiệp lớn được tự do lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình. Bên cạnh đó, điện năng được mua bán trên hệ thống giao dịch mới gọi là NETA (New Electricity Trading Arrangement).

Năng lượng là yếu tố thiết yếu của xã hội loài người. Gần 1/3 năng lượng trên thế giới được tiêu thụ dưới dạng điện năng. Hệ thống điện năng là chìa khoá cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Ở các nước tiên tiến, mà Anh quốc là một trong số đó, sử dụng điện năng gần như trở thành quyền của mỗi công dân. Điện năng cũng là nhiên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp và dịch vụ, là một trong những yếu tố sống còn trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Thời gian gần đây, nhiều nước châu Âu trong đó có Anh quốc đang gặp phải khó khăn lớn về đảm bảo an toàn cung cấp điện. Bài viết này muốn cung cấp cho độc giả một số thông tin về sản xuất điện năng của nước Anh, một trong những cường quốc công nghiệp của thế giới.

Nước Anh được coi là nước châu Âu tiên phong trong việc cải cách ngành điện từ 1989 sau khi đưa ra Luật về sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện năng. Với việc xoá bỏ độc quyền, các công ty sản xuất và phân phối điện được tư hữu hoá, nhiều tập đoàn công nghiệp lớn được tự do lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình. Bên cạnh đó, điện năng được mua bán trên hệ thống giao dịch mới gọi là NETA (New Electricity Trading Arrangement). Kết quả của cải cách ngành điện là giá điện bán cho nhà phân phối đã giảm đáng kể, từ 30 tới 40%. Tuy nhiên, giá bán cho người tiêu dùng mới chỉ giảm khoảng 3%. Tình trạng này dẫn tới hiện tượng lỗ trong các công ty sản xuất điện mà điển hình là việc chính phủ Anh năm ngoái đã tuyên bố giúp đỡ British Energy, tập đoàn năng lượng nguyên tử hàng đầu của nước này, một khoản tín dụng 650 triệu bảng Anh.

Nhiệt điện là một trong những nguồn sản xuất điện chính trên thế giới. Các nhà máy nhiệt điện đun nước bằng than, chất đốt và khí đốt và sử dụng hơi nước sinh ra để quay tuốc bin phát điện. Sự cạn kiệt khí đốt ở Biển Bắc làm ngành công nghiệp năng lượng Anh quốc phải nhập khẩu năng lượng, theo đánh giá đến năm 2020 là 3/4 khí đốt, phần lớn là từ Na Uy và bên cạnh đó là Nga trong liên minh tiềm ẩn với Iran và Algeria. Cần nói thêm rằng hiện nay, châu Âu đang nhập 45% chất đốt từ Trung Đông và 41% khí đốt từ Nga. Tỷ lệ nhập khẩu chất đốt của châu Âu có thể lên tới 70 – 90% vào năm 2030.

Với hiệp định khung của Liên hợp quốc về thay đổi khí hậu (UNFCCC) với nghị đinh thư Kyoto, nước Anh đã chấp nhận giảm 8% khí thải độc hại (CO2, CH4, N2O) gây ra hiệu ứng nhà kính cho tới thời điểm 2008 – 2012 so với mức khí thải năm 1990. Bên cạnh đó, nước Anh cung cam kết với Uỷ ban chiến lược EU về việc giảm khí thải 12,5%. Chính phủ Anh đã buộc các công ty sản xuất điện thực hiện cam kết không sử dụng than hoá thạch (NFFO) trong đó đưa ra mức bắt buộc năng lượng sản xuất từ các nguồn có thể tái tạo. Mức bắt buộc này từ 3% năm 2003 sẽ tăng dần lên mức 10% nằm 2010. Như vậy, sẽ có nhiều nhà máy nhiệt điện, hiện nay đang chiếm 35% sản lượng điện của Anh, sẽ phải ngừng hoạt động từ năm 2008. Nước Anh đang nằm trong nguy cơ phụ thuộc năng lượng vào nước ngoài.
Giải pháp khả dĩ nhất của nước Anh, hiện nay là phát triển các nguồn năng lượng có thể tái tạo và năng lượng sạch. Các dạng năng lượng điện từ các nguồn có khả năng tái tạo mới chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn, hiện tại mới chỉ chiếm 3,86% sản lượng điện trong đó:
– Sinh học: 0,94% (735 MW)
– Sức gió: 0,83% (649 MW)
– Thuỷ điện: 2,03% (1579 MW)
– Thuỷ triều: 0,006% (0.5 MW)
– Mặt trời: 0,051% (4 MW)
(Theo DTI)

Tuy sản xuất năng lượng từ sức gió mới chỉ bằng 5% sản lượng của Đức, Anh quốc có tiềm năng rất lớn vì chịu rất nhiều luồng gió mạnh nhất châu Âu. Sản xuất điện từ sức gió của Anh hiện dẫn đầu trong các nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo, Hiệp hội năng lượng sức gió Anh quốc (BWEA) có tới hơn 270 công ty thành viên là nơi cung cấp thông tin, thực hiện nghiên cứu phát triển công nghệ và vận động hành lang hỗ trợ cho ngành. Theo báo cáo của BWEA, chỉ cần sử dụng được 40% các nguồn năng lượng sức gió cũng có thể thừa bảo đảm nhu cầu năng lượng cho đất nước. Hiện nay, trên khắp nước Anh đã có khoảng 1000 tuốc bin sức gió đang hoạt động và cũng khoảng 1000 tuốc bin khác đang được xây dựng. Các nhà máy này cùng với các dự án sắp tới dự tính bảo đảm được 2,5% tổng nhu cầu quốc dân.

Năng lượng sức gió tuy nhiên lại mang tính không liên tục vì phụ thuộc vào cường độ gió từng thời điểm. Là một quốc đảo với 10 ngàn km bờ biển, Anh quốc hoàn toàn có khả năng tận dụng thuỷ triều và các dòng chảy dưới đáy đại dương để sản xuất điện. Thuỷ triều lên xuống đều đặn bởi tác dụng của lực hấp dẫn từ mặt trăng và mặt trời lên đại dương được xác định có khả năng cung cấp điện cho cả nước. Các dự án thí điểm năng lượng thuỷ triều đã được thực hiện thành công tại Milford Haven với sản lượng tiềm năng có thể lên tới 50MW. Công nghệ sử dụng dòng chảy ngầm cũng đã được thực hiện thành công ở bắc Scotland với dự án Stingray. Sử dụng đôi cánh ngang khổng lồ lên xuống theo dòng chảy ngầm, mỗi hệ thống Stingray dưới đáy biển có thể sản xuất 90KW và có thể kết nối hàng ngàn hệ thống với nhau. Kế hoạch sắp tới trong việc sử dụng đại dương để sản xuất điện hứa hẹn cung cấp 6% nhu cầu trong nước.

Có thể thấy rằng Anh quốc còn rất nhiều việc phải làm để có thể đảm bảo cung cấp điện năng quốc gia. Ngoài năng lượng nguyên tử, Anh quốc còn có thể tập trung nghiên cứu sản xuất năng lượng sạch từ than chất lượng cao. Than là nguồn năng lượng thiên nhiên lớn nhất của quốc đảo này. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết từ nay tới năm 2020, 38% điện năng trên thế giới vẫn được sản xuất từ than. Các công nghệ than sạch (CCTs) sử dụng than dưới phuơng thức đáp ứng các đòi hỏi về độ bền vững của môi trường và kinh tế cũng như áp dụng các nguyên tắc về khí thải, nước thải và rác thải. Chính phủ Anh đã thực hiện chương trình công nghệ than sạch với việc hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ than sạch, công nghệ khí hoá các vỉa than ngầm, cấp vốn và thúc đẩy liên kết giữa ngành năng lượng và các ngành công nghiệp khác.

Cùng với cam kết không sử dụng than hoá thạch (NFFO), chính phủ Anh cho phép các nhà sản xuất điện cộng thêm chi phí vào giá bán điện với mức giá tối đa được quy định thành văn bản luật và có hiệu lực tới hết năm 2007. Mỗi MWh sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ được cấp một chứng phiếu (ROCs). Các công ty phải bảo đảm số chứng phiếu theo tỷ lệ % sản lượng. Các chứng phiếu có thể được mua đi bán lại và được quản lý bởi một cơ quan chuyên trách (ANFP). Nếu không có đủ số chứng phiếu cần thiết, ngoài việc bị phạt, nhà sản xuất còn phải trả một khoản 30 bảng Anh cho mỗi MWh từ nguồn có thể tái tạo còn thiếu. Giá của ROCs đã lên tới 47 bảng Anh.

Để thúc đẩy sản xuất năng lượng có thể tái tạo, từ tháng 4 năm 2001, chính phủ Anh quốc cũng đưa ra một mức thuế thay đổi khí hậu (CCL) đối với các tổ chức kinh doanh sử dụng năng lượng (khí đốt, chất đốt, than, điện). Cụ thể hơn là 0,43 bảng Anh mỗi KWh điện và 1,17 bảng Anh mỗi kg than. Mục tiêu của việc ban hành mức thuế mới là nhằm giảm ít nhất 5 triệu tấn than sử dụng cho tới năm 2010. Các công ty sản xuất năng lượng từ nguồn có thể tái tạo và nguồn năng lượng sạch được miễn thuế này.

Có thể thấy rằng những nỗ lực của chính phủ Anh vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn năng lượng từ nay cho tới hết thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Tuy nhiên những cam kết mà Anh manh dạn đưa ra trong việc bảo vệ môi trường khỏi hiệu ứng nhà kính được đánh giá rất cao, thể hiện trách nhiệm của một nước lớn đối với môi trường sống toàn cầu. Tiến triển về an toàn năng lượng của Anh sẽ là bài học lớn cho các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước đang có tốc độ công nghiệp hoá nhanh hình thành nhu cầu năng lượng tiềm ẩn lớn.

———————————————————————————
Bài viết có sử dụng số liệu của Cục Thuơng mại Công nghiệp Anh (DTI)
và của Trường kỹ thuật điện Supelec (Pháp).

Leave a comment